09/03/2023
BỆNH GLÔCÔM CÓ THỂ GÂY MÙ MẮT VĨNH VIỄN
Hiện nay ở Việt Nam trong số những bệnh về mắt thì số người mắc Glôcôm chiếm một tỷ lệ tương đối cao. Đặc biệt đáng báo động là vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng do thiếu hiểu biết khiến gia tăng số bệnh nhân Glôcôm. Bệnh Glôcôm là nguyên nhân gây mù đứng thứ 2 sau bệnh đục Thuỷ tinh thể (TTT). Tại Bắc Kạn chưa có một điều tra cụ thể nào nhưng hàng năm qua các đợt phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo tại các huyện thì số bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán glôcôm là vẫn thường gặp. Tuy nhiên bệnh nhân đến bệnh đã ở giai đoạn mù hoặc gần mù. Nếu như bệnh nhân bị mù do đục TTT có thể lấy lại ánh sáng bằng phẫu thuật thì những người mắc Glôcôm khi đã mù dù có điều trị cũng không thể hồi phục lại được thị lực. Nhưng buộc phải điều trị để giải quyết tình trạng đau nhức.
Vậy bệnh Glocom là gì?
Bệnh Glocom hay còn gọi là bệnh Thiên đầu thống hay cườm nước là một bệnh của dây thần kinh thị giác do áp lực trong mắt tăng cao quá sức chịu đựng của mắt nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị mù loà vĩnh viễn.
Ai là những người có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm?
Người >35 tuổi, trong gia đình có người bị bệnh Glôcôm, người bệnh Đái tháo đường, cao huyết áp, Cận thị nặng, viễn thị hoặc mắt nhỏ, dùng corticoid kể cả đường uống, tiêm hoặc nhỏ mắt kéo dài, có chấn thương mắt hoặc đã có lần mổ mắt. Ngoài ra trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh Glôcôm gọi là glôcôm bẩm sinh.
Các dấu hiệu của bệnh Glôcôm
Tuỳ theo loại bệnh Glôcôm mà bệnh có các dấu hiệu khác nhau. Có thể bệnh xuất hiện đột ngột, rầm rộ với đau nhức mắt và đau nửa đầu cùng bên. Nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đôi khi thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không có nhử mắt, có thể nôn hoặc buồn nôn. Có nhiều bệnh nhân cảm thấy tức nặng, khó chịu trong mắt hoặc không có triệu chứng gì cho đến khi thấy mờ mắt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Phòng bệnh Glôcôm bằng cách nào?
Nguyên nhân gây bệnh này chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa. Tuy nhiên bệnh có thể phòng tránh mù loà bằng cách người dân nên đi khám mắt định kỳ. Nhất là những đối tượng có nguy cơ cao, những người ruột thịt của bệnh nhân càng cần phải được đi khám mắt thường xuyên sẽ giúp bạn được thực hiện một loạt kiểm tra không đau như đo nhãn áp, thử thị lực. Khám mắt khi dãn đồng tử và khám thị trường để kiểm tra xem có dấu hiệu nào thay đổi trong mắt, chức năng nhìn. Với các thông tin sớm Glôcôm thường được điều chỉnh với thuốc dưới hình thức tra hoặc uống. Nếu bệnh không đáp ứng với thuốc BS sẽ phẫu thuật bệnh nhân sẽ không bị mù nếu sử dụng thuốc đúng cách đều đặn. Một điều cần lưu ý là bệnh có nguy cơ tái phát cao vì vậy dù bệnh đã được điều trị ổn định nhưng bệnh nhân Glôcôm vẫn cần được quản lý và tái khám đúng hẹn.
Ngoài ra khi có các bệnh về mắt khác người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám tư vấn và điều trị không nên tự ý mua thuốc tra mắt hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác để điều trị sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.