Tật khúc xạ là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở Việt Nam. Trong đó cận thị là nguyên nhân gây giám thị lực đứng hàng đầu. Trong những năm gần đây tỷ lệ tật khúc xạ nhất là cận thị tăng rõ rệt tỷ lệ này tập trung chủ yếu các khu đô thị, theo điều tra năm 2005 của Bệnh viện mắt Hà Nội tỷ lệ mắc tật khúc xạ chiếm 36 - 38%.
Tại Bắc Kạn theo đề tài nghiên cứu :“Đánh giá thực trạng Tật khúc xạ của học sinh trung học cơ sở huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn năm 2020-2021 cho thấy tỷ lệ học sinh mắc TKX chiếm 19,6%, trong đó tỷ lệ cận thị cao nhất chiếm 78,4% (138/176), loạn thị 11,4% (20/176), viễn thị 6,8% (12/176), chính thị 3,4% (6/176). Tật khúc xạ nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ gây ra một số biến chứng như: Lác, Nhược thị, Đục dịch kính, Bong võng mạc... dẫn tới mù loà.
I. TẬT KHÚC XẠ
Vậy Tật khúc xạ là gì?
Một con mắt bình thường khi nhìn một vật thì ảnh của vật rơi vào đúng võng mạc cho ta nhìn thấy hình ảnh rõ ràng sắc nét, đúng màu xắc người ta gọi đó là mắt chính thị. Nếu vì một lý do nào đó mà ảnh của vật không rơi vào võng mạc người ta gọi đó là tật khúc xạ
Có 3 loại tật khúc xạ: Cận thị, Viễn thị, Loạn thị
Nguyên nhân: gồm 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra tật khúc xạ là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập làm việc và các thói quen không hợp lý như: Tư thế ngồi học sai, nằm đọc sách, đọc sách khi đi tàu xe, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp thói quen chơi điện tử, xem ti vi, sử dụng máy tính không hợp lý ....
Cận thị là gì?
Cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc có công xuất khúc xạ quá lớn khiến cho ảnh của một vật ở vô cực đáng lẽ nằm trên võng mạc thì lại nằm trước võng mạc.
Các dấu hiệu biểu hiện của tật cận thị:
Nhìn gần rõ, nhìn xa không rõ, cúi sát mới đọc được sách hay nheo mắt khi xem ti vi hoặc phải đứng gần ti vi, hay dụi mắt khi không buồn ngủ, có thể có lác....
Viễn thị là gì?
Viễn thị ngược lại với cận thị do trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường hoặc do lực khúc xạ quá yếu khiến cho ảnh của một vật ở vô cực đáng lẽ nằm trên võng mạc thì lại nằm sau võng mạc.
Các dấu hiệu biểu hiện của tật viễn thị:
Với những trường hợp độ viễn nhẹ nhìn xa rõ, nhìn gần mờ. Nếu độ viễn nặng thì bệnh nhân nhìn mờ cả xa lẫn gần, ngoài ra người bệnh hay mỏi mắt, nhức đầu, có trường hợp trẻ có biểu hiện lác...
Loạn thị là gì?
Bình thường giác mạc có hình chỏm cầu các kinh tuyến đều nhau các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng mắt loạn thị do giác mạc các kinh tuyến không đều nhau do vậy khi các tia hình ảnh sau khi qua giác mạc lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho mắt nhìn thấy hình ảnh nhoè, không rõ.
Các dấu hiệu biểu hiện của tật loạn thị:
Nhìn mờ cả khi nhìn xa và nhìn gần có thể nhìn thấy méo hình, trẻ hay chép nhầm bài đọc nhầm chữ...
II. PHÒNG TẬT KHÚC XẠ
1. Để phòng tật khúc xạ trẻ không nên đọc sách làm việc bằng mắt ở khoảng cách gần liên tục qúa lâu. Sau một giờ đọc sách hoặc những công việc sử dụng mắt nhìn gần cần cho mắt nghỉ 10 – 15 phút, có thể nhắm mắt lại xoa nhẹ mi mắt. Làm việc học tập nơi đủ ánh sáng ngồi đúng tư thế đầu cúi khoảng 10 – 15 độ bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm đối với cấp tiểu học, 30cm đối với cấp trung học cơ sở, 35 cm đối với cấp trung học phổ thông.
2. Phải có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn. Ăn uống đủ chất và nên sử dụng thức ăn có nhiều vitaminA ( Rau xanh, hoa quả có màu vàng đỏ, gan động vật, trứng... )
3. Đối các cháu đã cận thị thì cần được đeo kính đúng và thích hợp, độ cận thị sẽ tiến triển chậm hơn.
4. Đối với viễn thị cần được đeo kính đúng, đủ số.
5. Cần đi khám mắt định kỳ 3 - 6 tháng/lần để theo dõi tật khúc xạ đặc biệt khi thấy mắt có những biểu hiện bất thường cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn kịp thời.